Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2019

Dạy con làm giàu – tập 13 - CHƯƠNG 1: SỰ THÔNG MINH TÀI CHÍNH LÀ GÌ?



RICH DAD’S INCREASE YOUR FINANCIAL IQ

Trở nên thông minh hơn với đồng tiền của bạn
Tác giả: ROBERT T. KIYOSAKI


(Nội dung dưới đây hoàn toàn là tóm tắt từ bản dịch gốc của NXB trẻ. Chủ ngữ "tôi" là Robert T Kiyosaki, tác giả cuốn Dạy con làm giàu)

_______________________________________________________________________________

CHƯƠNG 1: SỰ THÔNG MINH TÀI CHÍNH LÀ GÌ?

Về già, cha tôi cảm thấy mình tiến chậm hơn bạn bè cùng trang lứa. Ông ấy trở nên cau có với những người bạn cùng lớp giàu có, những người đã đi vào con đường kinh doanh chứ không phải giáo dục như cha của tôi. Trong lúc than vãn, ông ấy thường nói, “Tôi đã cống hiến cả đời vì sự nghiệp giáo dục cho bọn trẻ ở Hawaii, nhưng tôi đã đạt được điều gì? Không gì cả. Những thằng bạn giàu kếch xù cùng lớp càng giàu có hơn và tôi đạt được điều gì? Không gì cả.”

Tôi sẽ chẳng bao giờ biết tại sao ông ấy không quay trở lại trường để dạy. Tôi tin rằng đó là bởi vì ông ấy đang cố gắng trở nên giàu có một cách nhanh chóng để bù đắp cho quãng thời gian đã mất. Ông ấy cố gắng theo đuổi những thương vụ bong bóng và giao du với những tên bịp. Không thương vụ làm giàu nhanh nào của ông ấy thành công cả.

KHÔNG CÓ ĐỦ TIỀN
Người cha nghèo của tôi có những rắc rối tài chính suốt cuộc đời của mình. Dù cho có kiếm được nhiều tiền bao nhiêu, vấn đề của ông ấy là không có đủ tiền.

Ông ấy làm hết sức để khẳng định rằng tiền không phải là quan trọng, ngay cả khi chúng là như vậy…Và đau buồn thay, đến cuối đời, tiền lại là thước đo mà ông ấy dùng để đánh giá lại cuộc đời mình. Dù cho thông minh như vậy, cha tôi chưa bao giờ giải quyết được những rắc rối tài chính của mình.

CÓ QUÁ NHIỀU TIỀN
Người cha giàu của tôi không thông minh về học thuật như người cha nghèo nhưng bởi vì ông ta giải quyết rắc rối theo một cách khác và nâng cao sự thông minh tài chính của mình, vấn đề của ông ấy là có quá nhiều tiền.

Có hai người cha, một giàu một nghèo, tôi học được rằng, dù giàu hay nghèo, chúng ta đều có những rắc rối về tài chính.

Rắc rối tài chính của người nghèo là:
1. Không có đủ tiền.
2. Dùng tín dụng để lấp những thiếu hụt về tiền bạc.
3. Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
4. Kiếm nhiều tiền hơn, trả thuế nhiều hơn.
5. Lo sợ về những trường hợp khẩn cấp.
6. Những lời khuyên tài chính tồi.
7. Không đủ tiền hưu trí.

Rắc rối tài chính của người giàu là:
1. Có quá nhiều tiền.
2. Cần phải giữ cho chúng an toàn và được đem đi đầu tư.
3. Băn khoăn liệu người khác thích họ hay là tiền của họ.
4. Cần có những chuyên gia tư vấn tài chính thông minh.
5. Dạy dỗ những đứa con hư hỏng.
6. Tài sản thừa kế và lên kế hoạch cho việc thừa kế.
7. Những khoản thuế quá mức của chính phủ.

Bạn thích rắc rối nào?

GIẢI PHÁP TỒI CHO NHỮNG RẮC RỐI TÀI CHÍNH
Nhận biết sớm từ đầu là tất cả chúng ta đều có những rắc rối tài chính, dù giàu hay nghèo, là một bài học rất quan trọng cho tôi. Nhiều người tin rằng nếu họ có nhiều tiền, những rắc rối tài chính của họ sẽ chấm dứt. Trong khi đó, ít người trong số họ hiểu rằng có nhiều tiền còn gây ra nhiều rắc rối tài chính hơn nữa.

Tiền bạc không thôi không thể giải quyết những rắc rối tài chính của bạn. Đó là lý do tại sao cho người nghèo tiền cũng không thể giải quyết rắc rối của họ. Trong nhiều trường hợp, việc làm đó chỉ làm cho vấn đề trở nên dai dẳng và tạo ra thêm nhiều người nghèo.

Làm việc chăm chỉ không giải quyết được những rắc rối tài chính.

Học thuật không giải quyết được những rắc rối tài chính.

ĐIỀU GÌ GIẢI QUYẾT NHỮNG RẮC RỐI TÀI CHÍNH?
Sự thông minh tài chính sẽ giải quyết được những rắc rối tài chính.

Không may là, nếu sự thông minh tài chính không được phát triển đủ để giải quyết những vấn đề của chúng ta, chúng vẫn sẽ tồn tại. Chúng không biến mất. Nhiều khi chúng trở nên tồi tệ hơn, gây ra còn nhiều rắc rối tài chính hơn nữa... Muốn hay không, tiền bạc có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta…

GIẢI QUYẾT RẮC RỐI TÀI CHÍNH LÀM CHO BẠN TRỞ NÊNTHÔNG MINH HƠN
Khi tôi còn nhỏ, người cha giàu nói với tôi, “Những rắc rối tài chính làm cho con trở nên thông minh hơn nếu con chịu giải quyết chúng.” Ông cũng nói, “Nếu con giải quyết vấn đề, sự thông minh tài chính của con sẽ tăng. Khi đó, con sẽ giàu có hơn. Nếu con không giải quyết chúng, con sẽ nghèo đi. Không được giải quyết, những rắc rối đó sẽ dẫn đến nhiều rắc rối khác. Nếu con muốn tăng sự thông minh tài chính của mình, con cần phải là một người biết giải quyết vấn đề. Nếu không giải quyết, con sẽ không bao giờ giàu. Thực tế là, vấn đề tồn tại càng lâu, con càng nghèo đi.”

Nguồn gốc của vấn đề là thiếu thông minh tài chính và hậu quả của nó là không thể giải quyết những vấn đề tài chính đơn giản. Thay vì giải quyết nguồn gốc của vấn đề, trong trường hợp này là thói quen tiêu dùng, nhiều người đã lảng tránh nó. Nếu bạn không nhổ cỏ tận gốc và chỉ cắt phần ngọn, nó sẽ lại mọc nhanh hơn và cao hơn. Điều tương tự xảy ra với những vấn đề tài chính.

NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ NGHÈO ĐÓI
Nghèo đói đơn giản chỉ là có nhiều vấn đề hơn là giải pháp. Tình trạng nghèo đói gây ra bởi tâm lý con người bị choáng ngợp trước những vấn đề mà họ không thể giải quyết.

Không phải tất cả nguyên nhân của nghèo đói là do những vấn đề về tài chính.

Một số vấn đề về tài chính hiện nay như nợ quá nhiều và lương thấp được gây ra bởi những tình huống nằm ngoài khả năng giải quyết của một cá nhân, những vấn đề có liên quan nhiều đến Chính phủ và một nền kinh tế bị phù phép.

NHỮNG QUY LUẬT CỦA TIỀN TỆ ĐÃ THAY ĐỔI
Năm 1971, đồng đôla Mỹ đã chết bởi vì nó không còn là tiền tệ (money) nữa - nó trở thành phương tiện thanh toán (currency). Có một sự khác biệt lớn giữa tiền và phương tiện thanh toán.

Theo những quy luật của chủ nghĩa tư bản cũ thì việc gửi tiền tiết kiệm là thông minh. Nhưng theo chủ nghĩa tư bản mới thì đem gửi tiết kiệm một phương tiện thanh toán là một việc làm điên rồ. Không có nghĩa lý gì khi đem đi cất giữ một đơn vị thanh toán.

Theo chủ nghĩa tư bản mới, tiền phải được lưu thông. Nếu tiền không lưu thông, càng ngày nó càng mất giá trị. Tiền, giống như một dòng điện, cần phải lưu chuyển từ một tài sản này sang tài sản khác càng nhanh càng tốt. Mục đích của tiền là để mua những tài sản, những tài sản hoặc là sẽ tăng giá trị hoặc là sẽ tạo ra dòng lưu kim. Tiền cần phải được luân chuyển nhanh để mua những tài sản thực bởi vì bản thân tiền cũng đang nhanh chóng giảm giá trị. Giá cả của những tài sản thực như vàng, dầu lửa, bạc, nhà cửa và chứng khoán tăng bởi vì giá trị của tiền đang suy giảm. Giá trị nội tại của chúng không thay đổi mà chỉ là khối lượng tiền cần để mua chúng là thay đổi.

SỰ THAY ĐỔI KHÁC CỦA QUY LUẬT TlỀN TỆ
Sự thay đổi khác của quy luật tiền tệ xảy ra vào năm 1974. Trước đó, các doanh nghiệp sẽ chăm lo cho nhân viên khi họ về hưu.

Sau năm 1974, một loại hình kế hoạch hưu trí mới xuất hiện gọi là kế hoạch Đóng góp xác định, còn gọi là DC (defined contribution). Hiện nay, chúng được biết đến dưới tên gọi 401(k), IRA và Keogh… Nói cho đơn giản, một kế hoạch DC không đảm bảo chi trả trọn đời. Bạn chỉ lấy lại những gì bạn và nhà tuyển dụng đã đóng góp… nếu như bạn và nhà tuyển dụng có đóng góp.
…ngày nay nỗi lo lớn nhất của người dân Mỹ không phải là khủng bố mà lo sợ hết tiền trong thời gian về hưu. Một trong những lý do cho lo sợ bao trùm này là sự thay đổi năm 1974 về những quy luật của tiền tệ.

SỰ BẢO VỆ CỦA CHÍNH PHỦ?
Thiếu an toàn tài chính trong tương lai dẫn đến sự ra đời chương trình An sinh xã hội và Chăm sóc y tế - sự bảo vệ của Chính phủ được tạo ra để giúp người dân không thể giải quyết những vấn đề tài chính của riêng mình. Cả hai chương trình đều bị phá sản. Quỹ Chăm sóc sức khỏe đã bị vỡ. Còn quỹ An sinh xã hội sớm muộn gì cũng vỡ.

Tung thêm tiền để giải quyết vấn đề chỉ làm tồi tệ thêm tình hình. Nó có thể sẽ làm sụp đổ hoàn toàn một hệ thống vốn sẵn có toàn những đồng tiền khôi hài, làm cho đồng đôla càng gần bằng không hơn nữa.

TẠI SAO NGƯỜI GIÀU LẠI TRỞ NÊN GIÀU HƠN
Người cha giàu nói rằng, “Người giàu trở nên giàu hơn là bởi vì họ học được cách giải quyết những vấn đề tài chính. Người giàu xem chúng là cơ hội để học hỏi, trưởng thành, thông minh hơn và để trở nên giàu có hơn. Người giàu biết rằng chỉ số IQ tài chính của họ càng cao, họ càng giải quyết được những vấn đề lớn lao hơn và vì thế họ kiếm được nhiều tiền hơn. 

Thay vì bỏ chạy, trốn tránh và vờ như những rắc rối tài chính không hề tồn tại, người giàu đón nhận những vấn đề tài chính bởi vì họ biết rằng chúng là cơ hội để trở nên thông minh hơn. Đó là lý do tại sao họ trở nên giàu hơn.”

NGƯỜI NGHÈO GIẢI QUYẾT RẮC RỐI TÀI CHÍNH NHƯ THẾ NÀO
Người cha giàu nói, “Người nghèo xem rắc rối tài chính chỉ đơn thuần là rắc rối…Nhiều người nghĩ rằng chỉ có họ mới gặp rắc rối về tài chính. Họ nghĩ rằng nếu họ có nhiều tiền hơn, những rắc rối này sẽ chấm dứt. Họ ít biết được rằng chính thái độ của họ trước những rắc rối mới là vấn đề…Thay vì tăng chỉ số IQ tài chính của mình, điều duy nhất họ tăng là những vấn đề tài chính.”

TẦNG LỚP TRUNG LƯU GIẢI QUYẾT RẮC RỐI TÀI CHÍNH NHƯ THỂ NÀO
Trong khi người nghèo là nạn nhân của tiền bạc, giới trung lưu lại là tù nhân của tiền bạc. Khi miêu tả giai cấp trung lưu, người cha giàu nói rằng: “...Thay vì giải quyết vấn đề, họ nghĩ rằng mình có thể thông minh hơn những rắc rối…Họ tin rằng học thuật hay sự giáo dục về nghề nghiệp là đủ để cách ly họ khỏi sự khắc nghiệt và tàn nhẫn của thế giới tiền bạc”

Người cha giàu nói rằng, “Giới trung lưu nghĩ rằng họ có thể thông minh hơn những rắc rối bằng con đường học thuật và việc làm. Hầu hết thiếu giáo dục về tài chính, đó là lý do tại sao họ có xu hướng đánh giá cao sự an toàn tài chính hơn chấp nhận những thách thức... Thay vì nâng cao chỉ số IQ tài chính của mình, họ luôn bận rộn và giam mình ở công sở.”

NGƯỜI GIÀU GIẢI QUYẾT RẮC RỐI TÀI CHÍNH NHƯ THẾ NÀO
Khi nói đến sự thông minh tài chính, dễ dàng nhận thấy là có năm loại thông minh cốt lõi mà mỗi cá nhân cần phải phát triển để trở nên giàu có.

Một người nắm chắc năm loại thông minh tài chính mà tôi đề cập trong cuốn sách này sẽ đạt được sự hoàn thiện về tài chính.

Khi người giàu gặp rắc rối tài chính, họ sử dụng sự hoàn thiện về tài chính, điều được phát triển qua nhiều năm đối diện và giải quyết vấn đề bằng năm loại thông minh tài chính, để giải quyết chúng.

Người giàu không bỏ cuộc. Họ học hỏi. Và bằng học hỏi, họ trở nên giàu hơn.

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH CỦA NGƯỜI KHÁC
Người cha giàu cũng nói rằng, “Nhiều người làm việc cho người giàu, giải quyết rắc rối tài chính cho người giàu.”

Điều mà người cha giàu đang cố giải thích đó là hầu hết chúng ta chỉ đi giải quyết vấn đề của người khác. Vậy thì ai sẽ giải quyết những vấn đề của chúng ta?

GIẢI PHÁP CỦA NGƯỜI CHA NGHÈO
Người cha nghèo của tôi cố gắng giải quyết rắc rối tài chính của mình bằng cách quay lại trường.

Ông cố giải quyết rắc rối bằng cách thông minh hơn về học thuật và nghề nghiệp nhưng đã không thông minh hơn về tài chính…Những rắc rối đó chỉ lớn thêm khi thu nhập tăng bởi vì ông đã lảng tránh chúng.

GIẢI PHÁP CỦA NGƯỜI CHA GIÀU
Người cha giàu của tôi lại luôn tìm kiếm những thách thức…Ông tìm kiếm những vấn đề tài chính để giải quyết, không phải chỉ để kiếm tiền mà còn giúp ông trở nên thông minh hơn và nâng cao được IQ tài chính của mình.

Nói cho đơn giản, người cha giàu xem việc kiếm tiền là một cuộc chơi và ông ấy muốn là người chơi giỏi nhất. Càng lớn, ông càng chơi giỏi hơn. Chỉ số IQ tài chính của ông tăng lên và tiền thì cứ thế mà thu về.

TRÒ CHƠI KIẾM TIỀN
Trong những chương sau, tôi sẽ bàn về năm loại thông minh tài chính mà chúng ta cần phải phát triển để tăng cường chỉ số IQ tài chính và đạt được sự hoàn thiện về tài chính. Tuy nó không dễ dàng và có khi cần cả đời người để đạt được, tin tốt lành là rất ít người biết về năm loại thông minh tài chính này và càng ít hơn nữa số người có động lực để phát triển nâng cao chỉ số IQ tài chính và cải thiện điểm số của họ. Chỉ cần nhận biết được những loại thông minh này là bạn đã được trang bị tốt hơn 95% người còn lại trong xã hội để giải quyết những rắc rối của mình;

NHỮNG AI NÊN CHƠI TRÒ CHƠI KIẾM TIỀN?
Phải chăng tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta nên chơi trò chơi này? Câu trả lời là, dù thích hay không, mọi người đều đã và đang chơi trò chơi này. Giàu hay nghèo, tất cả chúng ta đều trong cuộc chơi. Sự khác biệt là có một số người chơi tích cực hơn, nắm luật chơi và vận dụng nó tốt hơn cho mình so với những người khác. Một số người toàn tâm, đam mê hơn, chịu học hỏi và quyết chiến thắng. Nói về cuộc chơi này, đa số mọi người đều đang thi đấu - nếu họ nhận biết là mình đang thi đấu - chỉ để không thất bại chứ không phải để chiến thắng.

TÓM TẮT
Bài học cần ghi nhớ từ chương này là dù giàu hay nghèo, chúng ta đều có những vấn đề về tiền bạc. Cách duy nhất để trở nên giàu có và nâng cao sự thông minh tài chính của bạn là chủ động giải quyết những vấn đề của mình. Người nghèo và giới trung lưu thường né tránh hoặc tự lừa dối bản thân rằng họ không có những rắc rối về tài chính. Tác hại của thái độ này là những rắc rối đó vẫn tồn tại và sự thông minh tài chính của họ, nếu có đi chăng nữa, sẽ phát triển rất chậm.

Vấn đề đối với người nghèo và tầng lớp trung lưu là họ không có đủ tiền. Người giàu lại có vấn đề đối với việc có quá nhiều tiền. Cả hai đều thực sự có những vấn đề có lý. Quan trọng là bạn muốn có những vấn đề nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét