Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

Dạy con làm giàu – tập 13 - CHƯƠNG 3: KIẾM NHIỀU TIỀN HƠN



RICH DAD’S INCREASE YOUR FINANCIAL IQ

Trở nên thông minh hơn với đồng tiền của bạn
Tác giả: ROBERT T. KIYOSAKI

(Nội dung dưới đây hoàn toàn là tóm tắt từ bản dịch gốc của NXB trẻ. Chủ ngữ "tôi" Robert T Kiyosaki, tác giả cuốn Dạy con làm giàu)
_______________________________________________________________________________

CHƯƠNG 3: IQ TÀI CHÍNH #1: KIẾM NHIỀU TIỀN HƠN

Sau bốn năm ở Học viện Thương mại Hàng hải tại Kingston, New York, tôi ra trường năm 1969 và làm công việc đầu tiên là đi theo tàu chở dầu của Standard Oil of California.

Chỉ sau bốn tháng làm phó thuyền trưởng thứ ba, tôi bỏ công việc lương cao ở Standard Oil và gia nhập Marine Corps. Với suy nghĩ từ chỗ đang kiếm được 4.000 đôla một tháng giờ chỉ còn 200 đôla luẩn quẩn trong đầu, tôi chực như muốn quay lại xin làm tiếp.

Năm năm sau, tôi được giải ngũ trong danh dự. Thử thách đầu tiên và cấp bách của tôi là IQ tài chính #1: kiếm nhiều tiền hơn. Tôi hai mươi bảy tuổi và từng làm qua hai công việc, một là thuyền viên, cái thứ hai là phi công. Có đôi lúc, tôi nghĩ đến việc quay trở lại Standard Oil và xin đi làm lại. Tuy nhiên, thay vì quay trở lại Standard Oil hay đi bay cho các hãng hàng không, tôi làm việc cho Xerox Corporation ở trung tâm Honolulu. Lương khởi điểm của tôi là 720 đôla một tháng. Một lần nữa, lương của tôi bị giảm đi. Gia đình và bạn bè nghĩ rằng cuộc chiến đã làm tôi bị điên.

Bạn có thể thắc mắc là tại sao tôi chấp nhận mức lương 720 đôla một tháng ở một thành phố đắt đỏ như Honolulu. Câu trả lời nằm trong chủ đề của cuốn sách này: nâng cao chỉ số IQ tài chính. Tôi làm cho Xerox không phải vì lương mà là để nâng cao sự thông minh tài chính của mình - đặc biệt là IQ tài chính #1: kiếm nhiều tiền hơn.

Tôi đã quyết định rằng cách tốt nhất để tôi kiếm tiền là trở thành doanh nhân, chứ không phải là phi công hay là thuyền viên. Tôi biết là nếu muốn trở thành doanh nhân, tôi phải có những kỹ năng bán hàng. Chỉ có điều, tôi cực kỳ nhút nhát và khiếp sợ khi bị từ chối.Vấn đề của tôi là tính nhút nhát và thiếu kỹ năng bán hàng. Xerox sẽ cung cấp khóa huấn luyện bán hàng chuyên nghiệp. Họ đang cần nhân viên bán hàng. Tôi đang tìm kiếm công việc bán hàng. Vì vậy đây là một thương vụ tuyệt vời. Chúng tôi đều giải quyết được những vấn đề của mình.

Sau hai năm, khóa huấn luyện bán hàng và những kinh nghiệm thực tiễn đã bắt đầu có ích và tôi cuối cùng cũng trở thành nhân viên bán hàng số một ở chi nhánh Honolulu.

Tôi học được một bài học giá trị từ kinh nghiệm làm việc ở Xerox: giải quyết được khó khăn là con đường dẫn đến sự giàu có.

Khi đã đạt được mục tiêu trở thành nhân viên bán hàng số một, tôi xin nghỉ việc để đối đầu với thách thức tiếp theo - lập doanh nghiệp.

Ai đã từng mở công ty đều biết thách thức đầu tiên, một lần nữa, là IQ tài chính #1: kiếm nhiều tiền hơn. Bởi vì bây giờ tôi hoàn toàn không còn nhận lương nữa, tôi phải nhanh chóng giải bài toán IQ tài chính #1.

TRƯỚC KHI BẠN NGHỈ VIỆC
Trong cuốn sách Dạy con làm giàu tập 10 – Trước khi bạn nghỉ việc…Tôi có nói đến tám thành tố tạo nên một doanh nghiệp và lý do tại sao không có nó, nhiều doanh nghiệp thất bại và làm ăn không có lãi.

Trong cuốn sách đó, tôi nói về việc tại sao công việc kinh doanh lại cực kỳ thành công đến như vậy chỉ trong vòng một năm, làm cho tôi trở thành triệu phú để rồi sau đó đột ngột thất bại.

Người cha giàu khuyến khích tôi đối mặt với vấn đề và gây dựng lại công việc kinh doanh còn hơn là trốn chạy và tuyên bố phá sản. Ông ấy nhắc tôi rằng giải quyết mớ hỗn độn đó sẽ làm tăng sự thông minh tài chính của tôi. Đó là một trong số những lời khuyên tốt nhất dành cho tôi từ trước đến giờ. Mặc dù đau đớn nhưng quá trình đối mặt với vấn đề và gây dựng lại công việc kinh doanh là sự giáo dục tốt nhất mà tôi có thể có. Nó mất một vài năm nhưng quá trình đó đã giúp tôi nâng cao chỉ số IQ tài chính từ #1 cho đến #5 và khiến tôi trở thành một doanh nhân thông minh hơn về tài chính.

Gây dựng lại đống đổ nát chính là trường dạy kinh doanh của tôi. Điều đầu tiên phải làm là tôi kết hợp lại tám thành tố của một doanh nghiệp - tam giác C-Đ. Thứ hai là tôi phải định hình, lại công việc kinh doanh bằng cách tìm ra một phân khúc thị trường.

Như tôi từng nói, cách để nâng cao sự thông minh tài chính là giải quyết những vấn đề trước mắt bạn.

Tôi học được một bài học giá trị khác trong kinh doanh, và tiền bạc, điều này sẽ được nói đến trong chương sau - chỉ số IQ tài chính #2: bảo vệ tiền của bạn.

Tháng 1 năm 1984, tôi bán cổ phần trong công ty sản xuất ví nylon rock and roll đó cho hai đối tác kinh doanh. Tôi và Kim rời Hawaii chuyển đến California để bắt đầu việc kinh doanh giáo dục.

Năm 1994, tôi và Kim bán công ty đó và nghỉ hưu với thu nhập thụ động từ những khoản đầu tư bất động sản đủ để nuôi sống chúng tôi trong quãng thời gian còn lại.

Sau một thời gian nghỉ hưu ngắn ngủi, tôi và Kim tạo ra trò chơi CASHFLOW vào năm 1996 và cuốn sách Dạy con làm giàu tập 1 được phát hành dưới hình thức tự xuất bản vào năm 1997.

Ngày nay, công ty The Rich Dad là một công ty quốc tế. Phần nhiều thành công như vậy là nhờ những bài học từ thành công và thất bại của những việc kinh doanh trước đây của tôi. Nếu tôi không học hỏi từ việc giải quyết những rắc rối của mình, tôi sẽ không thể đạt được như ngày hôm nay. Nếu như vứt rắc rối vào xọt rác và để cho hoàn cảnh đưa đẩy, bạn sẽ không có cơ hội đọc được cuốn sách này hôm nay.

TẤT CẢ MỤC TIÊU ĐỀU CẦN CÓ MỘT QUÁ TRÌNH
Như chúng ta biết, tất cả mục tiêu đều cần có một quá trình đòi hỏi sự phấn đấu.

Lý do mà người ta thiếu IQ tài chính #1: kiếm nhiều tiền hơn là bởi vì họ muốn có nhiều tiền nhưng không muốn quá trình. Nhiều người không nhận biết được rằng chính quá trình làm cho họ giàu có chứ không phải tiền bạc.

Nhiều người khác không làm giàu được bởi vì họ thích hưởng lương ổn định hơn là quá trình học hỏi để trở nên thông minh hơn về tài chính và giàu có hơn.

TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU KHÁC NHAU
Tất cả chúng ta đều khác nhau, có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Chúng ta có những quá trình, những thách thức và khó khăn khác nhau.

Việc cần làm đầu tiên để nâng cao IQ tài chính #1: kiếm nhiều tiền hơn là phải quyết đinh xem cách tốt nhất để cho bạn kiếm tiền là gì.

Nói cách khác, hãy chọn cho mình mục tiêu rồi sau đó hãy chọn quá trình. Luôn nhớ rằng quá trình còn quan trọng hơn là mục tiêu!

TRÍ TUỆ CẢM XÚC
Đã đến lúc cần phải chỉ cho bạn thấy là thông minh tài chính cũng còn là thông minh cảm xúc. Warren Buffett, nhà đầu tư giàu có nhất thế giới, đã nói rằng, “Nếu bạn không kiểm soát được cảm xúc của mình thì bạn không thể kiểm soát tiền bạc được.” Điều này đúng cho quá trình của bạn.

Lý do khác mà nhiều người bỏ cuộc giữa chừng là bởi vì họ không thể tiếp tục mà không đạt được những thành quả tức thì.

Nói cách khác, thông minh cảm xúc là cần thiết cho thông minh tài chính. Sự thật là, khi nói đến tiền bạc, tôi cho rằng thông minh cảm xúc là cái quan trọng nhất. Nó còn quan trọng hơn sự thông minh học thuật hoặc nghề nghiệp.

NHỮNG KẺ BỎ CUỘC KHÔNG BAO GIỜ CHIẾN THẮNG
Một trong những bài học khó khăn nhất từ người cha giàu của tôi là phải kiên trì cho đến khi chiến thắng mới thôi.

Người cha giàu nói, “Con có thể từ bỏ khi con đã chiến thắng nhưng đừng bao giờ từ bỏ khi con thất bại.”

Bằng cách khắc phục nỗi sợ không bán được hàng, tôi đã có thể khắc phục được vấn đề không kiếm được tiền của tôi.

Năm 1978, tôi bắt đầu dành toàn thời gian cho việc kinh doanh dó. Nó phất lên nhưng rồi cũng thất bại. Một lần nữa, tôi muốn từ bỏ, nhưng cũng một lần nữa, người cha giàu nhắc nhở tôi rằng hành trình còn quan trọng hơn đích đến...Tôi sẽ học được cách thành lập doanh nghiệp và tôi sẽ thông minh về tài chính thêm tí nữa. Nhưng trước hết tôi cần phải giải quyết vấn đề trước mắt trước.

QUÁ NHIỀU TIỀN
Ở đầu cuốn sách này, tôi có nói rằng có hai loại rắc rối tài chính. Một cái là không có đủ tiền, còn cái còn lại là có quá nhiều tiền.

Như bạn cũng biết, tôi chọn rắc rối với việc có quá nhiều tiền. Tôi cần được đào tạo, không chỉ là tiền bạc…Nếu tôi để cảm giác sợ thất bại và trở nên nghèo chiến thắng, tôi sẽ chẳng bao giờ bắt đầu được cái gì.

Một trong những lý do mà người ta không nâng cao được IQ tài chính #1 là bởi vì họ cứ trói mình với những cái đã biết. Thay vì đón nhận những thách thức mới để học hỏi, họ chọn giải pháp an toàn.

Theo tôi, một cách để nâng cao chỉ số thông minh tài chính #1 của bạn là hãy nhìn cuộc đời như là một chuyến phiêu lưu để học hỏi…Cuộc sống của bạn không nhất thiết phải rủi ro hay là nguy hiểm. Tuy nhiên, cuộc sống là một quá trình học hỏi, mà muốn học hỏi thì phải mạo hiểm.

Thông minh thực sự là học cách giải quyết vấn đề để có thể giải quyết những vấn đề lớn hơn. 

Thông minh thực sự là niềm vui được học hỏi chứ không phải nỗi sợ thất bại.

KIẾM NHIỀU TIỀN HƠN
Đặt báo cáo tài chính và Kim tứ đồ chung lại với nhau, bạn sẽ thấy rõ hơn những lựa chọn của mình cho IQ tài chính #1: kiếm nhiều tiền hơn.

Theo sơ đồ, những người trong nhóm L và T làm việc vì tiền.

Những người nhóm C và Đ lại làm việc để có tài sản, cái sẽ tạo ra dòng lưu kim hay là lãi vốn.

Nói cách khác, những ngưới nhóm L và T tập trung vào cột thu nhập của bản báo cáo tài chính còn những người nhóm C và Đ thì tập trung vào cột tài sản.

Nói theo kế toán, một người nhóm L hoặc T làm việc vì thu nhập nhận được còn một người nhóm C hoặc Đ làm việc vì thu nhập thụ động hoặc thu nhập danh mục đầu tư. Trong chương kế tiếp chỉ số IQ tài chính #2: bảo vệ tiền của bạn, bạn sẽ thấy là tại sao loại thu nhập một người nhận được dẫn đến sự khác biệt về tài chính lớn đến như vậy. Thu nhập nhận được là loại thu nhập khó bảo vệ được bạn trước những kẻ thù tài chính nhất. Vì vậy làm việc vì thu nhập nhận được là điều kém thông minh nhất nên làm.

TẠI SAO NGƯỜI GIÀU NGÀY CÀNG GIÀU HƠN
Một trong những lý do người nghèo và tầng lớp trung lưu gặp khó khăn là bởi vì họ làm việc vì tiền và thu nhập ổn định.

Một trong những lý do mà người giàu ngày càng giàu hơn đó là mỗi năm họ mua thêm nhiều tài sản. Bổ sung thêm tài sản không nhất thiết cần phải làm việc cực hơn hoặc nhiều thời gian hơn. Sự thật là, chỉ số IQ tài chính càng cao thì ta càng ít phải làm việc mà vẫn mua được nhiều tài sản tốt hơn. Bạn thấy đó, tài sản làm việc cho người giàu bằng cách tạo ra thu nhập thụ động.

Như người cha giàu của tôi từng nói, “Nếu chỉ đầu tư hay tự làm chủ không thôi không có nghĩa con đã trở thành một nhà đầu tư hay chủ doanh nghiệp.”

TÓM TẮT
Để trở nên giàu có, bạn phải thừa nhận rằng rắc rối không bao giờ biến mất. Mỗi khi bạn giải quyết được một rắc rối, rắc rối khác lại xuất hiện. Quan trọng bạn phải nhận ra rằng quá trình giải quyết những rắc rối đó làm cho bạn trở nên giàu có. Và một khi bạn không những giải quyết được vấn đề của mình, mà còn giúp người khác giải quyết vấn đề của họ thì giới hạn là cái không tồn tại.

Nói đơn giản, có hàng tỷ cách để kiếm tiền bởi vì có hàng tỷ, nếu không muốn nói là vô tận, rắc rối cần được giải quyết. Cái quan trọng là bạn muốn giải quyết rắc rối nào? Càng giải quyết được nhiều rắc rối, bạn càng trở nên giàu có.

Theo tôi thì những người muốn được trả lương cao hơn nhưng làm ít hơn, hoặc không làm gì cả, cũng là những kẻ tham lam.

Những người muốn được trả nhiều hơn nhưng làm ít hơn sẽ gặp khó khăn hơn khi thế giới thay đổi.

Một nhà tư bản thực thụ là người nhận ra được vấn đề và tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ để giải quyết vấn đề đó. Bạn có thể tính giá cao hơn nếu sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn có giá trị cảm nhận cao hơn, nhưng phải bảo đảm là bạn tạo ra được giá trị gia tăng.

Bắt đầu từ bây giờ, hãy suy nghĩ những rắc rối nào bạn muốn và lao vào giải quyết nó, sau đó tiền sẽ chảy vào. Một khi bạn đã kiếm được tiền, bạn cần phải dùng hết sự thông minh tài chính của mình để bảo vệ nó. Đó là cái sẽ được nói đến trong chương tiếp theo, chỉ số IQ tài chính #2: Bảo vệ tiền của bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét