Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

Dạy con làm giàu – tập 13 - CHƯƠNG 5: LẬP NGÂN SÁCH CHO TIỀN


RICH DAD’S INCREASE YOUR FINANCIAL IQ

Trở nên thông minh hơn với đồng tiền của bạn
Tác giả: ROBERT T. KIYOSAKI

(Nội dung dưới đây hoàn toàn là tóm tắt từ bản dịch gốc của NXB trẻ. Chủ ngữ "tôi" là Robert T Kiyosaki, tác giả cuốn Dạy con làm giàu)
___________________________________________________________________________


CHƯƠNG 5: IQ tài chính #3: LẬP NGÂN SÁCH CHO TIỀN

Trong chương này, bạn sẽ phát hiện ra rằng tại sao sống dưới khả năng không là một cách thông minh để làm giàu. Bạn sẽ biết cách lập ngân sách và biết rằng có hai tình trạng của ngân sách. Một cái là thâm hụt ngân sách, còn cái kia là thặng dư ngân sách. Lý do tại sao IQ tài chính #3 quan trọng đến như vậy là bởi vì học cách lập ngân sách để tạo ra thặng dư là chìa khóa để làm giàu và giữ vững sự giàu có.

NGÂN SÁCH LÀ KẾ HOẠCH
Một trong những định nghĩa của từ “ngân sách” là: nó là một kế hoạch phối hợp các nguồn lực và chi tiêu.

Người cha giàu nói rằng ngân sách là một kế hoạch.“Hầu hết mọi người sử dụng ngân sách như là một kế hoạch để trở thành người nghèo và trung lưu chứ không phải để làm giàu…Thay vì tạo ra thặng dư ngân sách, nhiều người làm việc để sống dưới khả năng, điều này đồng nghĩa với việc tạo ra thâm hụt ngân sách.”

TÌNH TRẠNG NGÂN SÁCH THỨ NHẤT: THÂM HỤT NGÂN SÁCH
Chi tiêu nhiều hơn khả năng bạn kiếm được là nguyên nhân gây ra thâm hụt ngân sách. Lý do mà nhiều người rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách là bởi vì việc tiêu tiền thì dễ dàng hơn so với việc tạo ra nó. Khi đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách, đa số mọi người chọn cách cắt giảm chi tiêu. Thay vì cắt giảm chi tiêu, Người cha giàu khuyên nên tăng thu nhập.

Thâm hụt ngân sách của chính phủ
Trong những chương trước của cuốn sách này, tôi có nói đến cách thức mà Chính phủ Mỹ tài trợ cho những vấn đề của mình là bán nợ (chẳng hạn như trái phiếu kho bạc) mà những người đóng thuế trong tương lai phải trả cho những khoản nợ đó. Quỹ trợ cấp An sinh xã hội, cái không thực sự tồn tại, toàn là trái phiếu kho bạc.

Thâm hụt ngân sách của doanh nghiệp
Một lần nữa, hãy chú ý đến hai sự lựa chọn. Sự lựa chọn thứ nhất là tăng doanh số và sự lựa chọn còn lại là giảm chi tiêu.

Đối với nhiều công ty và cá nhân, tăng thu nhập là một việc làm khó khăn. Những công ty không biết cách bán hàng thường cảm thấy rằng giảm chi tiêu, tăng nợ (tiêu sản) hoặc bán tài sản là việc làm dễ dàng hơn. Điều này sẽ chỉ làm cho tình hình càng trở nên tồi tệ.

Thâm hụt ngân sách của cá nhân
Như chúng ta đã biết, nhiều người mắc nợ là vì họ tiêu xài nhiều hơn số tiền kiếm được. Tuy nhiên, như đã nói ở chương trước, lý do mà họ có ít tiền hơn để tiêu xài là bởi vì kẻ thù tài chính đang lấy đi tiền của những người làm thuê trước cả khi họ nhận được nó. Chúng làm được như thế là do đa số họ thiếu sự thông minh tài chính để bảo vệ tiền của mình. Nếu trường học có giáo dục về tài chính, những người làm thuê có thể đủ khả năng để quản lý tiền của mình hơn là giao phó cho công viên chức và ngân hàng, vấn đề của việc để cho công viên chức và ngân hàng quản lý tiền của bạn là họ nghĩ đó là tiền của họ.

TÌNH TRẠNG NGÂN SÁCH THỨ HAI: THẶNG DƯ NGÂN SÁCH
Hãy chú ý cụm từ “thu nhập nhiều hơn chi tiêu”. Nó không hẳn là chúng ta phải sống dưới khả năng. Định nghĩa không có nói là thặng dư được tạo ra bằng cách giảm chi tiêu, mặc dù giảm chi tiêu có thể làm tăng thặng dư. Mà nó muốn nhấn mạnh đến việc tạo ra thu nhập nhiều hơn - IQ tài chính #1: kiếm nhiều tiền hơn.

Thặng dư ngân sách của chính phủ
Vấn đề đầu tiên là khi chính phủ tạo ra thặng dư, họ liền chi tiêu. Điều này có nghĩa là chi phí liên tục tăng và khả năng chính phủ thặng dư ngân sách gần như là bằng không. Nói cách khác, bộ máy chính phủ được mặc định là luôn luôn thâm hụt và bất kể là ai lên cầm quyền, thuế sẽ luôn luôn tăng.

Thặng dư ngân sách của doanh nghiệp
Chú ý hai cách để mở rộng kinh doanh: đầu tư hoặc mua lại. Một doanh nghiệp có thể chi tiêu đầu tư để mở rộng hoặc cũng có thể mua lại một doanh nghiệp khác. Nếu nó không thể mở rộng bằng cách chi đầu tư hoặc mua lại doanh nghiệp khác, nó có thể mua lại cổ phiếu của chính mình. Việc mua lại cổ phiếu này đôi khi là do doanh nghiệp cảm thấy không thể mở rộng công việc kinh doanh và quyết định mua lại cổ phiếu của chính nó.

Nói cách khác, thặng dư ngân sách có thể cho bạn biết nhiều điều về doanh nghiệp và ban lãnh đạo của nó.

Thặng dư ngân sách của cá nhân
Như đa số chúng ta đã biết, lý do mà quá nhiều người gặp rắc rối về tài chính là bởi vì họ tăng chi tiêu và nợ và giảm đầu tư.

HAI SỰ LỰA CHỌN
Khi nói đến IQ tài chính #3: lập ngân sách cho tiền, bạn chỉ có hai lựa chọn - thâm hụt hoặc là thặng dư. Nhiều người chọn thâm hụt ngân sách. Nếu bạn muốn giàu có, hãy chọn thặng dư ngân sách và làm điều đó bằng cách tăng thu nhập chứ không phải giảm chi tiêu.

Thâm hụt ngân sách
Tôi có một người bạn ở Atlanta kiếm được rất nhiều tiền. Anh ấy buộc phải kiếm được nhiều tiền. Nếu không, anh ta sẽ bị ăn tươi nuốt sống. Anh ấy đã chọn thâm hụt ngân sách.
Dan là một chuyên gia kiếm được nhiều tiền nhưng những rắc rối tài chính của anh ta ngày càng tồi tệ hơn bởi thâm hụt ngân sách.

Thặng dư ngân sách
Lựa chọn thứ hai là lên kế hoạch để có thặng dư ngân sách. Sau khi kiếm được tiền, IQ tài chính #1, và bảo vệ được tiền, IQ tài chính #2, học cách lên kế hoạch để có được thặng dư ngân sách là cần thiết để đạt được sự hoàn thiện về tài chính.

Dưới đây là một số những bài học từ người cha giàu của tôi và những người giàu có khác về cách lên kế hoạch để có được thặng dư ngân sách.

Bí quyết lập ngân sách số 1: Thặng dư ngân sách là một chi phí.
Đây là một trong những bài học tài chính tốt nhất mà người cha giàu dành cho con trai mình và tôi.

Trong quyển Dạy con làm giàu Tập 1, tôi có viết về tầm quan trọng của việc trả cho bản thân trước tiên. Ngân sách #1 là ví dụ cho việc trả cho bản thân trước tiên. Ngân sách #2 là ví dụ cho việc trả cho bản thân sau cùng.

Nói cách khác, ưu tiên tài chính của hầu hết giai cấp trung lưu sẽ như sau:
Ưu tiên #1: Kiếm được công việc lương cao.
Ưu tiên #2: Trả góp tiền nhà và tiền mua xe.
Ưu tiên #3: Thanh toán hóa đơn đúng hạn.
Ưu tiên #4: Tiết kiệm, làm từ thiện và đầu tư.Điều đó có nghĩa là trả cho bản thân trước trở thành ưu tiên cuối cùng của họ.

Thặng dư phải là ưu tiên hàng đầu
Muốn có thặng dư ngân sách thì tạo ra thặng dư phải là một ưu tiên hàng đầu. Cách tốt nhất để làm điều đó là sắp xếp lại thứ tự ưu tiên cho những thói quen tiêu dùng của bạn. Tiết kiệm, làm từ thiện và đầu tư ít nhất phải là ưu tiên #2 và xem nó như là một chi phí trong báo cáo tài chính của bạn.

Nói thì dễ hơn làm

Tôi biết là hầu hết các bạn đều đồng ý với tính logic của những điều tôi đang bàn đến và nhất trí rằng chúng ta cần phải đặt ưu tiên hàng đầu cho việc tiết kiệm, làm từ thiện và đầu tư. Tôi cũng biết rằng điều này nói thì dễ hơn làm.

Đem tiền đi đầu tư
Năm 1989, Kim mua bất động sản cho thuê đầu tiên của mình. Cô ấy trả trước 5.000 đôla và thu về 25 đôla mỗi tháng...Nếu chúng tôi không xem đầu tư như là một khoản chi phí và trả cho bản thân mình trước, chúng tôi có thể sẽ vẫn đang trả cho người khác trước.

Tiết kiệm
Chúng tôi bắt đầu tiết kiệm khi đã có hơn số tiền chi phí sinh hoạt cho một năm. Thay vì gửi tiền trong ngân hàng, chúng tôi giữ nó dưới dạng chứng chỉ quỹ đầu tư vàng và bạc (được giao dịch trên sàn).

Giữ tiền, hay tiết kiệm, bằng vàng hoặc bạc cũng giúp tôi tránh tiêu xài nó. Tôi ghét đổi vàng và bạc lấy tiền mặt. Đó là việc đổi một thứ tài sản đang tăng giá trị lấy một thứ tài sản đang giảm giá trị.

Chúa là đối tác của chúng ta
Chúng tôi vẫn duy trì đóng góp một phần lớn cho các tổ chức từ thiện. Cho đi là một việc làm cần thiết.

Thiếu tiền

Tôi lo rằng có những người luôn thiếu tiền hàng tháng nhưng vẫn còn thiếu tiền khi tuổi lao động đã hết. Lúc đó thì đã quá muộn để giải quyết vấn đề.

Như đã nói từ đầu cuốn sách, nếu không giải quyết vấn đề bạn sẽ gặp nó suốt đời. Vấn đề hiếm khi tự nó giải quyết. Đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định trả cho bản thân trước, từ khi còn rất sớm, dù cho chúng tôi có thiếu tiền.

Ai là người la to nhất?
Khi mà chúng ta trả cho bản thân mình trước tiên, những người phản đối mạnh nhất là ngân hàng và chủ nợ. Thay vì để cho họ đe dọa chúng ta phải trả tiền, hãy dùng sự đe dọa đó để giúp chúng ta nâng cao IQ tài chính #1: kiếm nhiều tiền hơn.

Bí quyết lập ngân sách số 2: Cột chi phí chính là hòn đá tiên tri.
Nếu bạn muốn biết tương lai của một người, hãy nhìn vào những khoản chi tiêu tùy ý hàng tháng của người đó. 

Người cha giàu nói, “Con có thể đoán được tương lai của một người bằng việc nhìn vào cách họ sử dụng thời gian và tiền bạc. “Thời gian và tiền bạc là những tài sản rất quan trọng. Hãy sử dụng chúng cho thật khôn ngoan.”

Bạn cũng có thể biết tầm quan trọng của thặng dư ngân sách đổi với một người bằng cách nhìn vào cột chi phí của anh/cô ta.

Nhớ lấy điều này: cột tài sản mới là cái của bạn. Nếu bạn không trả cho bản thân trước, không ai sẽ làm điều đó cho bạn. Cách chi tiêu hàng ngày của bạn sẽ quyết định tương lai tài chính của chính bạn.

Bí quyết lập ngân sách số 3: Những tài sản của tôi sẽ chi trả cho các tiêu sản.
Người cha nghèo của tôi ủng hộ việc mua hàng giá rẻ.
Nhưng người cha giàu của tôi lại thích sự sang trọng.
Nếu như người cha nghèo của tôi muốn có những thứ xa xỉ, ông sẽ kìm chế mong muốn.
Nếu là người cha giàu, ông ấy sẽ nói, “Làm sao để tôi có thể có nó đây?” Và cách mà ông có nó là ông tạo ra một tài sản trong cột tài sản và tài sản đó sẽ chi trả cho tiêu sản kia.
Cái mà mọi người vẫn làm là thanh toán cho những thứ xa sỉ trước để rồi sau đó không đủ tiền để mua tài sản. Đó là vấn đề sắp xếp sự ưu tiên.

Tài sản = Tiêu sản xa xỉ

Đến đây thì có lẽ tôi nên nhắc lại tài sản và tiêu sản là gì. Trong cuốn sách Dạy con làm giàu Tập 1, tôi có định nghĩa chúng đơn giản như sau: Tài sản là cái đem tiền vô túi của bạn. Còn tiêu sản là cái đem tiền ra khỏi túi bạn. Tiêu sản không có gì xấu miễn là bạn trả cho bản thân mình trước tiên và mua chúng từ thu nhập tạo ra từ tài sản.

Một người có chỉ số IQ tài chính thấp chỉ biết cách làm sao sống dưới khả năng. Nói cách khác, cắt giảm chi phí. Nếu cuộc sống mà không tận hưởng thì sống để làm gì?

Bí quyết lập ngân sách số 4: Chi tiêu để làm giàu.
Khi mọi chuyện trở nên khó khăn, nhiều người cắt giảm chi tiêu hơn là tăng tiêu dùng. Đây là một lý do tại sao có quá nhiều người không giàu và duy trì được sự giàu có.
Một biểu hiện của sự thông minh tài chính là biết khi nào thì nên chi tiêu khi nào thì nên cắt giảm.

Khi đi làm, nhiều ông chủ và quản lý bóc lột những người yếu thế - những người cần công việc và tiền của họ. Có những người sử dụng điểm yếu của người khác để làm cho họ còn yếu hơn.

Rèn luyện mỗi ngày
Lập ngân sách là một kỹ năng quan trọng cần học và thành thạo. Hãy rèn luyện kỹ năng đó mỗi ngày.

Thành quả không thể đến với bạn một sớm một chiều. Nếu bạn chịu suy nghĩ cách để có thặng dư, bạn sẽ trở nên giàu có hơn. Lập ngân sách là vậy - sử dụng cái bạn có, ngay cả khi bạn không có gì, để giúp cho bạn tốt hơn, mạnh mẽ hơn và giàu có hơn.

NGHÈO CÓ THỂ LÀM CHO BẠN GIÀU BANG CÁCH NÀO?
Xin nhắc lại định nghĩa của ngân sách: đó là một kế hoạch phối hợp các nguồn lực và chi tiêu. Bạn có thể thấy, nó không nói đó là một kế hoạch phối hợp tiền bạc. Nó nói về sự phối hợp các nguồn lực. Một bài học rất quan trọng từ người cha giàu đó là: khó khăn tài chính là một nguồn lực - nếu bạn chịu giải quyết vấn đề. Nếu bạn học cách đối đầu với những khó khăn như là không có đủ tiền, sếp xấu tính hay là nợ nần chồng chất và sử dụng nó như là “nguồn lực” và cơ hội để học hỏi, có thể chậm nhưng chắc chắn là bạn sẽ có thặng dư ngân sách.

Nợ xấu và nợ tốt
Có hai loại nợ: nợ xấu và nợ tốt. Nói đơn giản, nợ tốt là cái làm cho bạn giàu có hơn và người khác sẽ trả dần nó cho bạn. Còn nợ xấu là cái làm cho bạn nghèo đi và bạn phải tự bản thân mình trả nó.

Một vấn đề hệ trọng của thế giới hiện nay là nợ xấu nhiều. Nợ xấu là nợ bắt nguồn từ tiêu sản. Nợ xấu là một chướng ngại vật cho các quốc gia, doanh, nghiệp và cá nhân. Một cách để làm giàu là xem nợ xấu như là một cơ hội, một “nguồn lực” giúp bạn giàu có hơn, chứ không phải nghèo đi. Nếu nợ xấu đang cản trở bạn thì chính bạn là kẻ thù đáng sợ nhất. Khi người ta vay tiền để giải quyết khó khăn thì khó khăn đó chắc chắn chỉ trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Lời khuyên của tôi là bạn nên xem vấn đề nợ xấu như là một cơ hội để hạc hỏi và trở nên thông minh hơn.

HÃY GHI NHỚ ĐIỀU NÀY
IQ tài chính #3: Lập ngân sách cho tiền của bạn, cũng giống như IQ tài chính #2, được đo bằng phần trăm, phần trăm của thu nhập mà bạn bỏ vào cột tài sản.

Nếu như trích 30% thu nhập là quá khó, vậy thì hãy bắt đầu với 3%. Nếu như 3% này làm cho cuộc sống của bạn khó khăn hơn, diều đó tốt. Cuộc sống khó khăn sẽ tốt cho bạn nếu nó làm cho bạn giỏi xoay xở hơn. Số phần trăm bạn bỏ vào cột tài sản của mình càng cao, chỉ số IQ tài chính #3 của bạn càng cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét